Hiện nay trên thị trường vật tư nông nghiệp có rất nhiều các loại thuốc trừ cỏ do các Công ty sản xuất với những tên thương mại khác nhau. Điều này khiến cho người sử dụng bị “rối” khi lựa chọn các sản phẩm thuốc trừ cỏ. Bài viết sau đây của Vietgro sẽ giúp bà con nắm được những thuật ngữ cơ bản của thuốc trừ cỏ, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, giảm thiểu chi phí công lao động và sức khỏe của người sử dụng.

Thuốc trừ cỏ

Về thời gian diệt cỏ

Tiền nảy mầm

Là những thuốc tác động diệt cỏ khi hạt chưa mọc thành cây, mầm cỏ vừa mới nhú ra khỏi hạt, chưa nhô lên khỏi mặt đất. Loại thuốc này thường dùng sớm trước hoặc ngay sau khi gieo trồng từ 1 – 3 ngày. Trừ cỏ cho lúa có những thuốc tiền nảy mầm như Sofit 300 ND, Meco 60 EC. Cho cây màu có các loại thuốc như Dual 720 ND, Vigor 33 EC.

Thuốc hậu nảy mầm

Tác động diệt cỏ sau khi cỏ đã mọc, khi cây cỏ còn nhỏ hoặc đã lớn. Ngoài ra còn một số loại thuốc trừ cỏ có thế diệt hột cỏ từ khi sắp mọc, đang mọc cho đến khi đã mọc gọi là thuốc hậu nảy mầm sớm. Loại thuốc này thường là hỗn hợp của hai loại thuốc tiền và hậu nảy mầm, thường dùng khi phần lớn cỏ đã mọc được 1 đến 2 lá, còn một số sắp mọc hoặc đang mọc.

Phạm vi tác động của thuốc trừ cỏ

Thuốc chọn lọc

Diệt được một số hoặc nhiều loài cỏ mà không gây hại cho cây trồng. Có thể sử dụng trên cây trồng đã mọc.

Tính chọn lọc do các đặc điểm khác nhau về hình thái, cấu tạo và sinh lý giữa cây trồng và cây cỏ.

Khả năng chọn lọc của thuốc trừ cỏ cũng chỉ có tính tương đối. Ví dụ như đối với các loại thuốc như WhipS, Cantanil nếu sử dụng quá liều lượng và sớm sẽ làm hại cây trồng.

Thuốc không chọn lọc

Diệt được hầu hết các loài thực vật đang thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, kể cả cây trồng.

Loại thuốc này chủ yếu là các chế phẩm của thuốc Glyphosate có tên thương mại như carphosate, Glyphosan, Shoot, Nufarm…

Những thuốc này nông dân hay gọi là thuốc khai hoang, dùng để diệt cỏ trong vườn cây ăn trái, bờ ruộng, bãi cỏ hoang cần khai phá.

Phổ tác dụng

Là số lượng các loài cỏ mà thuốc có thể diệt trừ được.

1. Thuốc trừ cỏ phổ hẹp

Thuốc diệt được ít các loài cỏ, ví dụ như thuốc Clincher 10 EC chỉ diệt được các loài thuộc nhóm cỏ hòa thảo như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng mà không diệt được các loài cỏ thuộc nhóm cỏ lác và cỏ lá rộng.

2. Thuốc trừ cỏ phổ rộng

Thuốc diệt được nhiều loài cỏ cùng lúc, ví dụ như thuốc Sirius 10 WP hay Nominee 10 SC diệt được rất nhiều loài cỏ trên ruộng lúa.

Nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc trừ cỏ

Để hiệu quả của thuốc BVTV nói chung và thuốc cỏ nói riêng đạt hiệu quả cao thì khi áp dụng nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng, đó là:

1. Đúng thuốc:

Dùng đúng loại thuốc sẽ phát huy hiệu quả cao đối với dịch hại cần trừ, ít độc hại tới người và gia súc, môi trường và thiên địch. Khi quyết định dùng loại thuốc cỏ nào cần dựa trên cơ sở loài nào phổ biến nhất trong ruộng lúa (theo vụ trước hoặc quan sát trực tiếp trên đồng ruộng). Ví dụ như trên ruộng lúa mà có nhiều loài cỏ thuộc cả 3 nhóm cỏ (hòa thảo, cói lác và lá rộng) thì nên dùng những loại thuốc trừ cỏ phổ rộng như Sofit, Sirius, Nominee… Nếu trên ruộng chủ yếu là cỏ cói lác và lá rộng thì nên dùng thuốc 2,4 D vừa các tác dụng diệt cỏ tốt và giá thuốc rất rẻ so với các loại thuốc khác trên cùng đơn vị diện tích. Còn khi trên ruộng có nhiều cỏ bợ thì nhất thiết phải dùng thuốc Star 10 WP, Ally 20 DF hay Sindax 10 WP và khi phun thuốc nên phun theo từng chòm (cỏ bợ thường mọc thành từng chòm) để giảm chi phí công lao động và thuốc.

2. Đúng lúc:

Dùng đúng giai đoạn dịch hại dễ diệt trừ và có hiệu quả cao. Với các loại thuốc cỏ thì đa số áp dụng vào giai đoạn từ 6 – 10 ngày sau khi sạ. Sử dụng sớm quá sẽ ít hiệu quả do nhiều loài cỏ chưa mọc và còn gây hại cho cây trồng, còn sử dụng trễ quá sẽ làm cỏ không chết do sức đề kháng của chúng đã lớn, muốn đạt hiệu quả lại phải tăng liều lượng gây tốn kém không cần thiết.

3. Đúng liều lượng và nồng độ:

Sử dụng theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc về liều lượng và nồng độ. Nếu cỏ còn nhỏ thì dùng liều ít, nếu đã lớn thì dùng liều cao hơn. Cùng một liều lượng pha nhiều nước phun sẽ đều hơn và hiệu quả cao hơn. Lượng nước phun thường được khuyến cáo từ 320 – 480 l/ha.

4. Đúng cách:

Pha, trộn và phun, rải cho đều, chú ý phun vào chỗ dịch hại tập trung như cỏ dại thường mọc nhiều chỗ gò cao, thiếu nước, làm đất không kỹ. Nên áp dụng vào những buổi chiều mát, khô ráo, không có gió.

Những lưu ý khác

Ngoài ra, để phát huy tác dụng của các loại thuốc trừ cỏ thì những yếu tố trên đồng ruộng cũng cực kỳ quan trọng như:

(i) mặt ruộng bằng phẳng sẽ giúp cho việc chủ động nước, làm cho lúa sinh trưởng đều sẽ lấn át cỏ dại;

(ii) Độ ẩm trên ruộng khi áp dụng thuốc phải đạt bão hòa, nếu khô quá thuốc sẽ giảm tới 50 – 80% tác dụng, nước trên ruộng cao quá thì cần rút bớt sao cho thuốc tiếp xúc được với thân lá của cỏ;

(iii) quản lý nước sau khi xử lý thuốc là khâu rất cần thiết: sau 3 – 4 ngày sau khi xử lý thuốc thì cho nước vào ruộng ngập gốc lút, nước sẽ ngăn cản sự nảy mầm của hạt cỏ trong đất và giúp cho lúa phát triển nhanh sẽ lấn át những cây cỏ còn sót lại.

(iv) chỉ nên pha trộn thuốc cỏ với những loại thuốc sâu, thuốc bệnh, thuốc cỏ khác nhằm tiết kiệm nhân công chỉ khi có hướng dẫn cụ thể, pha trộn tùy tiền sẽ làm giảm tác dụng của thuốc mà còn hại cho cây trồng.

Liên hệ Facebook Phân Dơi Số 1 để được nhận tư vấn về thuốc trừ cỏ.

5/5 - (5 bình chọn)