Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng hiện nay phải đạt được 3 yêu cầu là:
- Bảo vệ được năng suất và phẩm chất cây rau
- Bảo vệ các loại sinh vật có ích (thiên địch)
- An toàn cho con người và môi trường.
Hiện nay đã ra đời phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (biện pháp quản lý dịch hại dựa trên nhiều biện pháp trong đó phương pháp được dùng nhiều nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật).
Thuốc bảo vệ thực vật thực chất là những hợp chất độc có trong tự nhiên hoặc được tổng hợp từ các chất hoá học dùng để phòng, trừ dịch hại trên cây trồng.
Do đó am hiểu về thuốc chính là chìa khoá giúp mở cánh cửa đạt được mục tiêu trên. Dưới đây là 4 cách phân loại chủ yếu thuốc BVTV.
Nội Dung
1. Phân loại theo mục đích sử dụng
Nhóm các chất trừ sâu, trừ nhện, trừ côn trùng gây hại:
- Nhóm các chất trừ sâu có chứa Clo: DDT, Clodan
- Nhóm các chất trừ sâu có chứa phốt pho: Wophatox, Diazinon, Malathion, Monitor…
- Nhóm các hợp chất cacbamat: Sevin, Furadan, Mipcin, Bassa
- Nhóm các hợp chất sinh học: Pyrethroid, Permetrin..
Nhóm các chất trừ nấm, trừ bệnh, trừ vi sinh vật gây hại:
- Các hợp chất chứa đồng
- Các hợp chất chứa lưu huỳnh
- Các hợp chất chứa thuỷ ngân
- Một số loại khác
Nhóm các chất trừ cỏ dại, làm rụng lá, kích thích sinh trưởng:
- Các hợp chất chứa Phênol (2,4- D)
- Các hợp chất của axits propyoníc (Dalapon)
- Các dẫn xuất của cacbamat (ordram)
- Triazin
Nhóm các chất diệt chuột và động vật gặm nhấm:
- Photphua kẽm và Warfarin
2. Phân loại theo nguồn gốc sản xuất và cấu trúc hoá học
Thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ
- Nhóm các chất trừ sâu có chứa Clo: DDT, Clodan
- Nhóm các chất trừ sâu có chứa phốt pho: Wophatox, Diazinon, Malathion, Monitor…
- Nhóm các hợp chất cacbamat: Sevin, Furadan, Mipcin, Bassa
- Các chất trừ sâu thuỷ ngân hữu cơ
- Các dẫn xuất của hợp chất nitro
- Các dẫn xuất của urê
- Các dẫn xuất của axít propioníc
- Các dẫn xuất của axít xyanhydríc
Các chất trừ sâu vô cơ
- Các hợp chất chứa đồng
- Các hợp chất chứa lưu huỳnh
- Các hợp chất chứa thuỷ ngân
- Một số loại khác
- Các chất trừ sâu có nguồn gốc thực vật là ancaloid, thực vật có chứa nicotin, anabazin, pyrethroid
3. Phân loại nhóm độc theo tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG)
Các chuyên gia về độc học đã nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc lên cơ thể động vật ở cạn (chuột nhà) và đã đưa ra 5 nhóm độc theo tác động của độc tố tới cơ thể qua miệng và da như sau.
Phân loại nhóm độc theo TCYTTG
(LD50 mg/kg chuột nhà)
Phân nhóm độc | Qua miệng | Qua da | ||
---|---|---|---|---|
I.a. Độc mạnh | ≤5 | ≤20 | ≤10 | ≤40 |
I.b. Độc | 5- 50 | 20 - 200 | 10- 100 | 40- 400 |
II. Độc trung bình | 50- 500 | 200- 2000 | 100- 1000 | 400- 4000 |
III. Độc ít | 500- 2000 | 2000- 3000 | >1000 | >4000 |
IV. Độc rất nhẹ | >2000 | >3000 |
Ghi chú: LD50 là ký hiệu chỉ độ độc cấp tính của thuốc qua đường miệng hoặc qua da. Trị số của nó là liều gây chết trung bình được tính bằng miligam (mg) hoạt chất có thể gây chết 50% số động vật thí nghiệm (tính bằng kg) khi tổng lượng thể trọng của số động vật trên bị cho uống hết hoặc bị phết vào da. Giá trị LD50 càng nhỏ thì hoá chất đó càng độc.
Có thể nhận biết tính độc của thuốc bảo vệ thực vật theo dấu hiệu màu trên bao bì thuốc như sau:
- Vạch màu đỏ trên bao bì là thuốc độc nhóm I, thuộc loại rất độc và độc.
- Vạch màu vàng trên bao bì là thuốc độc nhóm II, thuộc loại độc trung bình.
- Vạch màu xanh trên bao bì da trời là thuốc độc nhóm III, , thuộc loại ít độc.
- Vạch màu xanh lá cây trên bao bì là thuốc độc nhóm IV, , thuộc loại độc rất nhẹ.
4. Phân loại theo độ bền vững
Các hoá chất BVTV có độ bền vững rất khác nhau, nhiều chất có thể lưu đọng trong môi trường đất, nước, không khí và trong cơ thể động, thực vật. Do vậy các hoá chất BVTV có thể gây những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khoẻ con người. Dựa vào độ bền vững của chúng, có thể sắp xếp chúng vào các nhóm sau:
- Nhóm chất không bền vững: Nhóm này gồm các hợp chất phốt pho hữu cơ, cacbamat. Các hợp chất nằm trong nhóm này có độ bền vững kéo dài trong vòng từ 1- 12 tuần.
- Nhóm chất bền vững trung bình: Các hợp chất nhóm này có độ bền vững từ 1- 18 tháng. Điển hình là thuốc diệt cỏ 2,4D (thuộc loại hợp chất có chưa Clo).
- Nhóm chất bền vững: các hợp chất nhóm này có độ bền vững từ 2- 5 năm. Thuộc nhóm này là các loại thuốc trừ sâu đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam là DDT, 666 (HCH),.. Đó là các hợp chất Clo bền vững.
- Nhóm chất rất bền vững: Đó là các hợp chất kim loại hữu cơ, loại chất này có chứa các kim loại nặng như Thuỷ ngân (Hg), asen (As)… Các kim loại nặng Hg và As không bị phân huỷ theo thời gian, chúng đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam.
5. Các dạng thuốc BVTV
Các dạng thuốc phổ biến hiện nay
Nhũ dầu | EC, ND |
Huyền phù | FL, SC |
Bột hòa nước | SP |
Dạng bã | B |
Dung dịch | L, SL, DD |
Bột thấm nước | WP, BTN |
Dạng hạt | G, H |
* Tác dụng của thuốc BVTV
a. Thuốc BVTV tác dụng tiếp xúc
Cách thông thường để kiểm soát sâu hại là phun thuốc BVTV lên sâu hại hoặc lên bề mặt đối tượng cần bảo vệ có sâu đi qua với một lượng đủ thấm qua lớp vỏ cơ thể sâu hại. Thuốc có tác dụng như vậy gọi là thuốc có tác dụng tiếp xúc.
b. Thuốc BVTV tác dụng vị độc
Thuốc có tác dụng vị độc được sử dụng ở dạng phun, bột rắc hay mồi độc và được dùng để diệt các loài có hại qua đường miệng của chúng. Các loài có hại ăn phải thuốc cùng với thức ăn qua miệng.
c. Thuốc BVTV tác dụng nội hấp
Một vài loại côn trùng như ve, rệp,…hút nhựa bằng miệng. Chúng dùng miệng nhỏ hình kim cắm vào cây trồng và hút nhựa. Loài côn trùng này rất khó diệt bằng loại thuốc có tác dụng tiếp xúc. Nhờ cách gây độc vào nguồn thức ăn của chúng là nhựa cây, chúng ta có thể đưa thuốc vào cơ thể côn trùng đó. Đó là cách gây tác dụng nội hấp.
d. Thuốc BVTV tác dụng xông hơi
Để loại trừ một số sâu hại ngũ cốc, bột mì, chúng ta phải áp dụng biện pháp xông hơi. Thuốc xông hơi được đưa vào khu vực cần xử lý ở dạng rắn, lỏng hoặc dạng khí. Thuốc lan toả khắp không gian có sâu hại và diệt sâu hại qua đường hô hấp.